Thêm nhiều loại trái cây được mở cửa vào Trung Quốc
Thêm nhiều loại trái cây được mở cửa vào Trung Quốc
Thông tin trên được ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam – Trung Quốc tổ chức tại TPHCM ngày 21/12.
Buổi tọa đàm thu hút gần 100 doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa thêm 7 loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép. Theo đó, thứ tự ưu tiên mở cửa 7 loại củ quả là: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Hiện Trung Quốc mới cho nhập khẩu chính thức 8 loại rau quả của Việt Nam là thanh long, dưa dấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít.
Đối với hàng thủy sản, phía Trung Quốc đã chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này, đồng thời bổ sung thêm cá ngừ và cá rô phi vào danh mục nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, tránh ùn tắc, phía Trung Quốc đã đồng ý mở thêm chức năng xuất khẩu thủy sản ở các cửa khẩu do hai nước chỉ định.
Theo ông Nam, trong chuyến công tác mới đây tại Trung Quốc, phía cơ quan chức năng Trung Quốc đã đồng ý, ủng hộ việc đẩy mạnh đưa hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc yêu cầu hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã rõ ràng, xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12/2018 sang tháng 6/2019 mới áp dụng. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn 6 tháng chuẩn bị để đáp ứng quy định của Trung Quốc.
Để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, hai bên sẽ tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách tại các cửa khẩu, sau đỏ mở rộng tới đối tượng các doanh nghiệp để nắm rõ hơn quy định của phía Trung Quốc.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của Tập đoàn Sunwah – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản của Trung Quốc, muốn mua các loại nông sản của Việt Nam. Đại diện Sunwah đã nêu lên một số yêu cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là tập đoàn này muốn thương hiệu hóa các sản phẩm nông sản Việt Nam, nghĩa là sản phẩm sẽ chỉ ghi tên hợp tác xã hay nông trường tại mục xuất xứ. Còn thương hiệu sẽ là của nhà phân phối, tức là Tập đoàn Sunwah.
Phía Sunwah cũng yêu cầu được là đơn vị thu mua cấp 1 để giảm các khâu trung gian. Theo đại diện Sunwah, giá cả không phải là vấn đề ưu tiên mà chất lượng và yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trao đổi bên lề tọa đàm, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An bày tỏ mong muốn phía Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng nông sản. Chẳng hạn, Trung Quốc có chấp nhận chứng nhận VietGAP của Việt Nam hay không, hay phải có chứng chứng nhận khác. "Có các thông tin cụ thể thì doanh nghiệp với có thể áp dụng vào quy trình canh tác, sản xuất và đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc” – ông Huy nói.
Về vấn đề thương hiệu, ông Huy cho rằng với những hợp tác xã nhỏ sẽ buộc phải chấp nhận xuất khẩu nông sản dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn đã xây dựng được thương hiệu mạnh thì có thể đàm phán để giữ thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Nguồn: Báo Hải Quan
Bài viết khác
- TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI ĐỂ BẢO VỆ DOANH NGHIỆP NỘI
- CÔNG VĂN 94-2024_TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG_ VỀ XỬ LÝ HỒ SƠ NHẬP KHẨU HÀNG NHÓM 2 THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ KH&CN
- Các dự án giao thông cửa ngõ TPHCM đang được triển khai ra sao?
- CÔNG VĂN 721-2024_TỔNG CỤC HẢI QUAN_VỀ THÀNH LẬP TRUNG TÂM OUTLET VÀ PHÍ THUẾ QUAN
- CÔNG VĂN 706-2024_TỔNG CỤC HẢI QUAN_VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU ĐỂ SXXK
- CÔNG VĂN 1964-2024_CỤC THUẾ XNK_VỀ KHAI MÃ MIỄN THUẾ
- VCCI đề xuất thuế dịch vụ xuất khẩu ở mức 0%
- TP.HCM muốn đẩy nhanh dự án "siêu cảng" Cần Giờ trong 2025